DU LỊCH HÀN QUỐC

ĐẤT NƯỚC HÀN QUỐC

Thủ đô: Seoul
Diện tích: Tổng số 99,392 km² (hạng 108)
Dân số:
- Ước lượng 2005: 48.422.644 (hạng 24)
- Mật độ 488 /km² (hạng 12)
GDP (PPP) Ước tính 2005
- Tổng số: 1.029 tỉ đô la (hạng 12)
- Theo đầu người: 23.045 đô la (hạng 29)
Đơn vị tiền tệ: (KRW)
Múi giờ: (UTC+9)
Mã số điện thoại: +82
Đại Hàn Dân Quốc hay Hàn Quốc, Cộng hòa Triều Tiên (Tiếng Triều Tiên: còn gọi là Nam Hàn, Nam Triều Tiên hay Đại Hàn, là một quốc gia thuộc Đông Á, nằm ở nửa phía nam của bán đảo Triều Tiên. Phía Bắc giáp với Bắc Triều Tiên. Phía Đông Hàn Quốc giáp với biển Nhật Bản, phía Tây là Hoàng Hải. Thủ đô của Hàn Quốc là Seoul một trung tâm đô thị lớn thứ hai trên thế giới và là thành phố toàn cầu quan trọng. Hàn Quốc có khí hậu ôn đới và địa hình chủ yếu là đồi núi. Lãnh thổ Hàn Quốc trải rộng 100,032 km vuông. Với dân số 48 triệu người, Hàn Quốc là quốc gia có mật độ dân số cao thứ ba trên thế giới (sau Bangladesh và Đài Loan).
Những chứng cứ khảo cổ học cho thấy bán đảo Triều Tiên đã có người sinh sống từ Thời đại đồ đá cũ. Lịch sử Triều Tiên bắt đầu khi nước Cổ Triều Tiên thành lập 2333 TCN bởi Đàn Quân. Sau thời kỳ Tam Quốc Triều Tiên, Triều Tiên trải qua triều đại Cao Lệ (Goryeo) và triều đại Triều Tiên (Joseon) trong một đất nước thống nhất cho đến cuối Đế quốc Đại Hàn năm 1910, khi đó Triều Tiên bị Nhật Bản sáp nhập. Sau khi được giải phóng và bị chia cắt vào cuối Đệ nhị Thế chiến, quốc gia này trở thành hai nước là Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc. Hàn Quốc được thành lập năm 1948 như một nền dân chủ. Chiến tranh Triều Tiên kết thúc bằng hiệp định ngừng bắn. Kinh tế Hàn Quốc phát triển vượt bậc và trở thành một nên kinh tế lớn.
Hàn Quốc hiện là một nước dân chủ hoàn toàn và theo chế độ cộng hòa tổng thống bao gồm 16 đơn vị hành chính. Hàn Quốc là một nước phát triển có mức sống cao, có nền kinh tế phát triển theo phân loại của Ngân hàng Thế giới và IMF. Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 4 ở châu Á và thứ 15 trên thế giới. Nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, tập trung vào hàng điện tử, ô tô, tàu biển, máy móc, hóa dầu và rô-bốt. Hàn Quốc là thành viên của Liên hiệp quốc, WTO, OECD và nhóm các nền kinh tế lớn G-20. Hàn Quốc cũng là thành viên sáng lập của APEC và Hội nghị cấp cao Đông Á và là đồng minh không thuộc NATO của Hoa Kỳ. Gần đây, Hàn Quốc đã tạo ra và tăng cường sự phổ biến văn hóa đặc biệt là ở châu Á, còn được gọi là Làn sóng Hàn Quốc.
Địa lý
Hàn Quốc nằm ở phần phía nam bán đảo Triều Tiên. Địa hình phân hoá thành hai vùng rõ rệt: vùng rừng núi chiếm khoảng 70% diện tích nằm ở phía đông; vùng đồng bằng duyên hải ở phía tây và nam. Bãi bồi ven biển Saemangeum là bãi nổi ven biển lớn thứ hai thế giới.
Khí hậu ở đây khá ôn hoà. Những cơn mưa nặng hạt tập trung vào một quãng thời gian ngắn ngủi trong mùa hè. Mùa mưa được gọi là Jangma. Vào mùa đông nhiệt độ thường xuyên dưới 0°C và có thể xuống rất thấp. Gió mùa mang không khí lạnh từ Siberia thổi tới.
Thành phố lớn nhất Hàn Quốc là Seoul (Hán Thành), dân số chính thức khoảng trên 10 triệu người, nằm ở phía tây bắc. Những thành phố lớn khác là Incheon (Nhân Xuyên) ở phía tây Seoul, Daejeon (Đại Điền)ở miền trung, Kwangju (Quang Châu) ở phía tây nam, Daegu (Đại Khâu) và Busan (Phủ San) ở phía đông nam.
Dân cư
Trong thành phần dân cư Hàn Quốc thì người Triều Tiên chiếm đại đa số. Dân tộc thiểu số duy nhất là một bộ phận nhỏ người gốc Hoa. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính châu Á năm 1997, Hàn Quốc cùng với Nhật Bản là hai quốc gia sớm khắc phục được khủng hoảng, vì vậy mà một số lượng lớn lao động từ các nước châu Á khác (như Philippines, Ấn Độ) cũng như từ các nước châu Phi đã đổ về đây để tìm kiếm việc làm trong các nhà máy lớn. Một bộ phận không nhỏ người Hoa Kỳ cũng đang sống và làm việc tại Hàn Quốc, họ tập trung tại một khu vực của thành phố Seoul có tên động Itaewon (Lê Thái Viện). Ở đây người ta cũng có thể tìm thấy một khu "làng Liên hiệp quốc" bên cạnh nhiều đại sứ quán và công ty nước ngoài.
Ngược lại cũng có rất nhiều người Hàn Quốc sinh sống tại nước ngoài, ví dụ như tại Trung Quốc và nhiều nước vùng Trung Á. Stalin đã đưa hàng ngàn người Triều Tiên tới đó. Trong thời kì bị Nhật đô hộ, một số người cũng đã bị đưa sang Nhật Bản. Sự bất ổn chính trị, xã hội và kinh tế trong nước đã dẫn tới việc nhiều người Hàn Quốc di cư sang Canada và Hoa Kỳ. Từ khi tình hình trong nước trở lại ổn định, một số đã trở về quê hương (mang hai quốc tịch).
Tôn giáo
51% dân số Hàn Quốc có tín ngưỡng tôn giáo. Trong số này 49% theo đạo Phật, 49% theo Kitô giáo (trong đó có 38% theo Tin lành và 10% theo Công giáo), 1% là tín đồ đạo Khổng, 1% còn lại theo các tôn giáo khác.
Nhiều người dân Hàn Quốc không đặt nặng vấn đề tôn giáo, họ tổ chức ngày lễ của nhiều tôn giáo khác nhau. Việc pha trộn tôn giáo này vấp phải sự phản đối kịch liệt của hơn 90.000 tín đồ Nhân chứng Giê-hô-va. Những nghi lễ cổ truyền vẫn còn được duy trì. Các giá trị của đạo Khổng hiện nay vẫn ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống thường ngày của người dân xứ Hàn.
Ngôn ngữ và chữ viết
Ở Hàn Quốc, ngôn ngữ chính thức là tiếng Hàn Quốc (tiếng Triều Tiên). Một số nhà ngôn ngữ học xếp ngôn ngữ này vào hệ ngôn ngữ Altai, một số khác thì cho rằng tiếng Hàn Quốc là một ngôn ngữ biệt lập (language isolate). Kể từ bậc tiểu học, người ta bắt đầu dạy tiếng Anh cho học sinh. Sau này tiếng Trung Quốc và tiếng Nhật cũng trở thành ngoại ngữ chính. Các ngôn ngữ châu Âu như tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha ít phổ biến hơn.
Khác với chữ viết của các nước vùng Đông Á, Hangeul - chữ viết chính của người Hàn Quốc – sử dụng một bảng chữ cái gồm 51 kí tự, 24 kí tự đơn và 27 kí tự kép. Những kí tự này được kết hợp theo âm tiết thành các chữ. Đối với những người không biết thì chữ Triều Tiên cũng phức tạp y như chữ Hán vậy. Nhưng thực ra người học có thể nắm được căn bản của loại chữ viết này chỉ sau 4 đến 5 tiếng đồng hồ. Vì lẽ đó mà chữ Hangeul được gọi là Atsim-Gul (chữ viết buổi sáng – trong một buổi sáng có thể học xong).
Hanja, bộ chữ Hán của người Triều Tiên, có ý nghĩa tương tự như chữ La tinh ở các nước châu Âu. Giống như các ngôn ngữ ở Đông Á và Đông Nam Á, rất nhiều từ trong tiếng Hàn Quốc có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên việc loại bỏ đi các thanh âm trong tiếng Hán dẫn đến việc trong tiếng Hàn Quốc có rất nhiều từ đồng âm. Các từ này được phát âm giống nhau nhưng mang ý nghĩa khác nhau và chỉ phân biệt được ý nghĩa dựa vào ngữ cảnh. Vì vậy, để cho rõ nghĩa, trong các văn bản khoa học người ta thường ghi chú thích bằng chữ Hanja ở đằng sau những cụm từ quan trọng. Trên các tấm danh thiếp người ta cũng thường sử dụng chữ Hanja để giải thích ý nghĩa tên của họ.
Lịch sử
Lịch sử Hàn Quốc trước năm 1945 được trình bày trong phần Lịch sử Triều Tiên. (Xin xem thêm bài Danh sách Tổng thống Hàn Quốc.)
Thời Nhật Bản thống trị Triều Tiên từ năm 1910 đến 1945 chấm dứt cùng với Thế chiến thứ hai. Năm 1945, Triều Tiên bị chia cắt thành hai miền. Liên bang Xô viết chiếm đóng miền bắc cho đến vĩ tuyến 38 và Hoa Kỳ chiếm đóng từ vĩ tuyến 38 về nam. Hoa Kỳ và Liên bang Xô viết không thể đồng thuận về việc áp dụng Đồng uỷ trị ở Triều Tiên.
Vào tháng 11 năm 1947, Hội đồng Liên hợp quốc đã đề ra một giải pháp tiến hành tổng bầu cử tại Hàn Quốc dưới sự hỗ trợ của một Ủy ban Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, Liên bang Xô viết đã khước từ việc tuân theo giải pháp này và từ chối những ảnh hưởng của Ủy ban liên hợp quốc đối với nửa phía Nam của bán đảo.
Hội đồng Liên hợp quốc sau đó đã đưa ra một giải pháp khác kêu gọi bầu cử tại các địa phương với sự giúp đỡ của Ủy ban Liên hợp quốc. Những cuộc bầu cử đầu tiên được tiến hành vào mùng 10 tháng 5 năm 1948, tại những tỉnh nằm ở phía Nam vĩ tuyến 38. Vĩ tuyến này đã trở thành đường chia cắt bán đảo Triều Tiên thành hai miền nam và bắc Triều Tiên.
Điều này dẫn tới việc thành lập các chính phủ riêng biệt ở miền bắc và miền nam, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ở phía bắc và Cộng hoà Triều Tiên (Hàn Quốc) ở phía nam, mỗi bên đều tuyên bố mình là chính phủ hợp pháp của toàn bộ lãnh thổ Triều Tiên.
Căng thẳng tăng lên giữa hai chính phủ ở miền bắc và miền nam cuối cùng dẫn tới Chiến tranh Triều Tiên, khi ngày 25 tháng 6 năm 1950 Quân đội Nhân dân (Bắc) Triều Tiên vượt vĩ tuyến 38, buộc tội miền nam đã vượt qua trước, và tấn công -- Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. Hoa Kỳ và Liên hiệp quốc hậu thuẫn Nam Hàn, còn đứng đằng sau Bắc Hàn là Liên Xô và Trung Quốc. Cuộc chiến kéo dài tới ngày 27 tháng 7 năm 1953, khi lực lượng Liên hiệp quốc và Quân đội Nhân dân Triều Tiên cùng Quân tình nguyện Nhân dân Trung Quốc ký kết Thoả thuận đình chiến Chiến tranh Triều Tiên. Vùng phi quân sự Triều Tiên phân chia hai nước, và bán đảo Triều Tiên bị chia cắt cho đến ngày hôm nay.
Gần 3 triệu người thiệt mạng hoặc bị thương và hàng triệu người khác mất nhà cửa hoặc chia lìa những người thân trong gia đình trong cuộc chiến tranh này.
Sau đó Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tiếp tục theo đuổi sự nghiệp thống nhất đất nước trên cơ sở lập luận "một Triều Tiên", không công nhận chính phủ ở miền nam và chọn con đường thống nhất đất nước bằng cách mạng xã hội chủ nghĩa còn Hàn Quốc coi chính phủ của mình là thực thể hợp pháp trên bán đảo Triều Tiên và sự thống nhất là sự mở rộng chủ quyền quốc gia. Những quan điểm cứng nhắc, không nhân nhượng này khiến cho quá trình hòa giải giữa hai bên không thể thực hiện được cho đến tận thập niên 1960. Đến thập niên 1970 quan hệ hai bên dần được cải thiện. Hai bên Triều Tiên công nhận chính phủ của nhau. Năm 1991 cả hai nước được cả hai phe công nhận để chính thức gia nhập Liên hiệp quốc cùng một lúc. Hàn Quốc đã đầu tư kinh tế và là nước chủ yếu viện trợ lương thực giúp người dân Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vượt qua nạn đói thập niên 1990 làm chết 2 triệu người thông qua chương trình lương thực Thế giới WEP của Liên hiệp quốc. Hiện nay dân tộc Triều Tiên là dân tộc còn lại duy nhất trên thế giới có đất nước bị chia cắt do ý thức hệ sau Chiến tranh Lạnh và là dân tộc đang cố gắng giải quyết trạng thái đối lập ý thức hệ bằng con đường hoà bình, hoà giải dân tộc.
Năm 1948, Lý Thừa Vãn (Syngman Rhee) giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ở khu vực nam bán đảo Triều Tiên và trở thành vị tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc. Ông giữ cương vị này cho tới năm 1960. Chính phủ kế nhiệm của Trương Miễn (Chang-Myon) bị tướng Phác Chính Hy (Park Chung-hee) lật đổ vào năm 1961. 1963 Phác Chính Hy trở thành tổng thống. Năm 1979 Tổng thống Phác Chính Hy bị ám sát, một chính phủ tạm thời được thành lập, đất nước bị thiết quân luật.
Năm 1980 Toàn Đẩu Hoán (Chun Doo-hwan) được một hội đồng bầu cử bầu lên làm tổng thống. Tới năm 1987 hiến pháp được sửa đổi, theo đó nhân dân Hàn Quốc lại được quyền trực tiếp bầu ra tổng thống. Các tổng thống tiếp theo là tướng Lô Thái Ngu (Roh Tae-woo) (1987) và Kim Vịnh Tam (Kim Young-sam) (1992). Năm 1997, Tổng thống Kim Đại Trung (Kim Dae-jung) được trao giải Nobel hoà bình vì những nỗ lực của ông trong việc bình thường hoá quan hệ với CHDCND Triều Tiên. Năm 2003 học trò của ông, Lô Vũ Huyễn (Roh Moo-hyun) kế nhiệm chức Tổng thống Hàn Quốc.
Sau Chiến tranh Triều Tiên, kinh tế Hàn Quốc phát triển với tốc độ phi thường, đến giữa thập niên 1980 đã trở thành một trong những nước công nghiệp hóa mới (NICs). Năm 2004 GDP của Hàn Quốc là 680 tỉ USD (Đô la Mỹ), đứng thứ 12 trên thế giới. Thành công trong phát triển kinh tế của Hàn Quốc được gọi là "Kỳ tích sông Hàn".
Tái thống nhất (Tongil) với Bắc Triều Tiên là một chủ đề chính trị đang được bàn luận ở Hàn Quốc hiện nay, nhưng vẫn chưa có hiệp định hoà bình nào được kí kết. Luật an ninh quốc gia Hàn Quốc hiện vẫn không cho phép người dân tiếp nhận bất cứ thông tin nào từ phía CHDCND Triều Tiên. Tổng thống Lô Vũ Huyễn đã nghĩ tới việc dỡ bỏ luật này, nhưng hiện tại nó vẫn chưa được thực thi.
Năm 2000, hai chính phủ đã chính thức gặp gỡ với nhau. Cuộc gặp gỡ này được xem như thắng lợi của chính sách ánh dương (Sunshine policy) trong việc bình thường hoá quan hệ hai miền Triều Tiên.
Chính trị
Người đứng đầu Đại Hàn Dân quốc là Tổng thống do dân trực tiếp bầu ra mỗi năm năm một lần và không được phép tái ứng cử. Tổng thống là đại diện cao nhất của quốc gia và có quyền chỉ huy quân đội (tương đương chức: Tổng Tư lệnh). Thủ tướng do Tổng thống chỉ định và lãnh đạo chính phủ. Chính phủ có tối thiểu 15 và tối đa là 30 thành viên. Thành viên chính phủ do thủ tướng chỉ định. Chức vụ thủ tướng cũng như bộ trưởng phải được sự thông qua của quốc hội.
Quốc hội Hàn Quốc chỉ có một viện và được gọi là Gukhoe. Đại biểu quốc hội được bầu mỗi bốn năm một lần. Quốc hội có tất cả 299 đại biểu.
Cơ quan quan trọng thứ ba trong hệ thống chính trị Hàn Quốc là Toà án tối cao. Cơ quan này theo dõi hoạt động của chính phủ và ra các phán quyết cuối cùng. Toà án gồm có chín thẩm phán tối cao. Tổng thống trực tiếp chỉ định ba người trong số này, ba người được quốc hội bầu ra, tuy nhiên phải được sự chấp thuận của tổng thống. Chánh án toà án tối cao là người chỉ định ba thẩm phán còn lại.
Đơn vị hành chính
Hàn Quốc bao gồm thủ đô, 6 thành phố lớn (thành phố trực thuộc trung ương) và 9 tỉnh (được gọi là do, âm Hán-Việt: đạo):
Bản đồ Tên Tên Hàn Chữ Hán, âm Hán Việt
Thủ đô
1 Seoul
Seoul -Thành phố lớn
2 Busan
Phủ San quảng vực thị
3 Daegu
Đại Khâu quảng vực thị
4 Incheon
Nhân Xuyên quảng vực thị
Tỉnh tự trị
16 Jeju
Tế Châu đặc biệt tự trị đạo
Kinh tế
Hàn Quốc có một nền kinh tế thị trường trong đó nhà nước đóng vai trò quan trọng.
Nếu cách đây 30 năm tổng sản phẩm quốc nội của Hàn Quốc chỉ đứng ngang với các nước nghèo ở châu Phi và châu Á thì hiện nay, tổng sản phẩm quốc nội của Hàn Quốc xếp thứ 10 trên thế giới. Năm 2005 GDP danh nghĩa của Hàn Quốc ước đạt khoảng 789 tỉ USD, GDP tính theo sức mua tương đương (PPP) ước đạt khoảng 1.097 tỉ USD. Thu nhập bình quân đầu người tính theo GDP danh nghĩa và theo sức mua tương đương lần lượt là 16.270 USD và 22.620 USD (xếp thứ 33 và 34 thế giới).
Năm 1997, như nhiều nước châu Á khác, Hàn Quốc bị khủng hoảng kinh tế nặng nề. Để tháo gỡ khó khăn, chính phủ Hàn Quốc đã phải chấp nhận vay khẩn cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) 57 tỷ USD với những điều kiện ngặt nghèo, tiến hành cải cách mạnh mẽ, xây dựng nền kinh tế thị trường dân chủ, phá bỏ quyền lực của các tài phiệt, coi trọng các công ty vừa và nhỏ, giảm sự can thiệp của nhà nước, chống câu kết chính trị - kinh doanh, mặt khác, đã áp dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng", huy động quốc dân quyên góp tiền vàng ủng hộ chính phủ. Kết quả là Hàn Quốc đã thành công trong việc khắc phục khủng hoảng trong thời gian 3
năm (1998-2000), trả xong nợ của IMF. Dự trữ ngoại tệ đã đạt 133 tỷ USD (tháng 7/2003).
Từ những năm 1970 nhiều công ty lớn của Hàn Quốc bắt đầu tạo chỗ đứng trên thị trường thế giới. Trong số đó có thể kể tới Samsung, Hyundai hay GM Daewoo. Việt Nam mới chỉ được làm quen với một vài lĩnh vực của các tập đoàn này. Ví dụ như ở Hàn Quốc Samsung cũng rất năng động trong các lĩnh vực bảo hiểm, chế tạo máy, thương nghiệp và bất động sản. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính châu Á nhiều chi nhánh của các tập đoàn này ở nước ngoài đã bị đóng cửa. Một ví dụ điển hình là Daewoo đã phải bán bộ phận sản xuất xe hơi cho tập đoàn General Motors của Mỹ.
Văn hóa
Hàn Quốc có chung nền văn hoá truyền thống với CHDCND Triều Tiên. Tuy vậy, văn hoá hiện đại của Nam Hàn lại khác biệt với Bắc Hàn.
karaoke của Hàn Quốc
Trong tiếng Triều Tiên không có từ nghĩa tương đương với karaoke. Thay vào đó, họ gọi loại hình giải trí này là norae (tiếng hát). Các quán karaoke (noraebang) được tìm thấy ở khắp các ngóc ngách. Cả thanh niên lẫn người lớn tuổi đều mê loại hình giải trí này.
Điện ảnh
Kể từ thành công của phim Shiri 1999 ngành công nghiệp điện ảnh ở xứ Hàn có sự thăng tiến không ngừng. Hiện nay Hàn Quốc là một trong số ít những nước mà các sản phẩm của Hollywood không có mấy ảnh hưởng. Điều này thể hiện qua việc tỉ lệ khán giả đến rạp xem phim trong nước cao hơn hẳn so với các tác phẩm điện ảnh nước ngoài.
Shiri là một bộ phim của đạo diễn Khương Đế Khuê (Kang Jae Gyu) nói về một nữ điệp viên Bắc Triều Tiên, người có nhiệm vụ tổ chức một vụ khủng bố tại Seoul. Chỉ tính riêng ở Seoul số lượng khán giả đến xem phim đã vượt quá con số 2 triệu, vượt xa các bộ phim khác như Ma trận (The Matrix), Titanic hay Chiến tranh giữa các vì sao (Star Wars). Ngân sách chi cho phim này chỉ khoảng 5 triệu USD, trong khi số tiền thu về chỉ riêng ở Hàn Quốc đã lên tới trên 60 triệu USD. Thành công này được lý giải là nhờ vào chi phí lớn nếu so với các bộ phim khác của Hàn Quốc.
Trong năm 2000, tiêu điểm dồn vào phim Vùng an ninh chung (Joint Security Area). Bộ phim kể về sự chia cắt Triều Tiên này thậm chí còn thành công hơn cả Shiri. Bạn (Friend) là bộ phim của năm 2001. Bộ phim hài lãng mạn Cô nàng ngổ ngáo (My Sassy Girl) còn được yêu thích hơn cả Chúa tể của những chiếc nhẫn (The Lord of the Rings) hay Harry Potter. Năm 2004 bộ phim Old Boy giành giải thưởng lớn tại Liên hoan phim Cannes và được bán cho nhiều nước. Sau khi dự liên hoan phim này, đạo diễn Quentin Tarantino đã phát biểu: "Những bộ phim hấp dẫn nhất thế giới hiện đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc."
Những thành công này khiến cho Hollywood phải chú ý. Những phim như Shiri giờ đây được bán ở cả Hoa Kỳ. Miramax đã mua bản quyền phim Vợ tôi là Gangster (My Wife is a Gangster), bộ phim còn trội hơn một số sản phẩm của Hollywood, và hiện đang làm lại bộ phim này để bán trên thị trường Mỹ. Những phim nổi tiếng khác như My Sassy Girl, Old Boy hay A Tale of Two Sisters (Câu chuyện hai chị em) cũng đang nằm trong tầm ngắm của các nhà làm phim người Mỹ.
Giống như ở nhiều nước châu Á khác, tại Việt Nam phim Hàn Quốc cũng giành được sự ưu ái đặc biệt. Ngoài những tác phẩm điện ảnh được chiếu ngoài rạp, những bộ phim truyền hình dài tập cũng thu hút một số lượng lớn khán giả. Những cái tên quen thuộc với người xem như Mối tình đầu (1996), Trái tim mùa thu (2000), Bản tình ca mùa đông (2002) hay Đại Trường Kim (Dae Jang Geum, 2003).
Những ngôi sao điện ảnh nổi tiếng của Hàn Quốc: Bùi Dũng Tuấn (Bae Yong Jun), Tống Tuệ Giao (Song Hye Gyo), Tống Thừa Hiến (Song Seung Hun), Trương Đông Kiện (Jang Dong Gun), Trương Na Lạp (Jang Na-ra), Nguyên Bân (Won Bin), Lý Anh Ái (Lee Young Ae), Quyền Tương Hữu (Kwon Sang Woo), Thôi Chí Vũ (Choi Ji Woo), Thái Lâm (Chae Rim).
Văn học
Văn học Hàn Quốc có một số lượng lớn độc giả. Những buổi đọc sách thậm chí được tổ chức tại các sân vận động.
Hwang Sok-Yong (1943) là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất xứ Hàn. Ông đã trải qua cuộc chiến tranh Triều Tiên và từng tham chiến tại chiến tranh Việt Nam. Đề tài chính trong các tác phẩm của ông là mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại.
Các ngày lễ
1 tháng 1 Tết Dương lịch
1 tới 3 tháng 1 (âm lịch) Tết Nguyên Đán
1 tháng 3 Phong trào 1.3 - Kỷ niệm ngày đòi độc lập của nhân dân Hàn Quốc 1.3.1919
5 tháng 4 Tết cây xanh
5 tháng 5 Tết thiếu nhi
8 tháng 4 (âm lịch) Lễ Phật Đản - Ngày sinh Đức Phật
6 tháng 6 Ngày tưởng niệm
17 tháng 7 Ngày lập hiến 17.7.1948
15 tháng 8 Ngày độc lập Kỉ niệm ngày giành độc lập từ tay phát xít Nhật 15.8.1945
15 – 18 tháng 8 (âm lịch) Tết Trung Thu
3 tháng 10 Ngày khai sinh dân tộc
25 tháng 12 Giáng sinh
Thể thao
Hàn Quốc có một nền thể thao tương đối mạnh ở châu Á và trên thế giới. Những môn thể thao mạnh là:
Võ - đặc biệt là Taekwondo
Bóng đá - từng xếp hạng tư thế giới tại World Cup 2002